Thần Lương Hằng Ngày

Tuần XII Thường Niên

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa, 

Sau 3 Chúa Nhật liền ngay sau Mùa Phục Sinh: CN Hiện Xuống, CN Ba Ngôi và CN Thánh Thể,

Giáo Hội dẫn chúng ta từ từ, qua các CN tiếp theo sau đó cho đến CN 34 Lễ Chúa Kitô Vua, 

tiến theo chiều hướng của Mầu Nhiệm Cánh Chung, một mầu nhiệm đã được bắt đầu từ Mầu Nhiệm Nhập Thể:

"khi đến thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến..." (Galata 4:4), 

"vào những ngày sau hết này, Thiên Chúa nói với chúng ta qua Người Con" (Do Thái 1:1).

Nếu "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) mở đầu cho Mầu Nhiệm Cánh Chung 

thì Người cũng kết thúc Mầu Nhiệm Cánh Chung khi Người tái giáng với tư cách là Chúa Tể, là Vua,

Đấng "được toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu 28:18) ngay từ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người.

Bởi thế, Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh là thời điểm truyền giáo của Giáo Hội (xem Mathêu 28:19-20), 

thời điểm Giáo Hội là "mầm mống và khởi nguyên của Nước Thiên Chúa" trên trần gian này (xem Lumen Gentium 5), 

như một hạt cải nhỏ bé nhất, theo đà lịch sử, trở thành một cây vĩ đại cho phần rỗi muôn dân (xem Mathêu 13:31-32).

Theo chiều hướng chứng nhân truyền giáo của Giáo Hội cho Nước Thiên Chúa trị đến trên thế gian của Mầu Nhiệm Cánh Chung,

chúng ta tiếp tục cử hành PVLC Tuần XI Thường Niên, bao gồm các thánh trong tuần, ở những cái links sau đây:

 

Tuần XII Thường Niên

TN.CNXII-A.mp3 / https://youtube.com/live/L_i3k8ldv8o

ThuHaiTuanXIITN.mp3 (2018) / MTN.XII-2.mp3 (2021)

TDCTT-PVLC/TN.XIIL-3.mp3

ThanhCyriloAlaxandria.mp3 / 

https://youtu.be/DGd18f3wAwQ  (27/6 Thứ Ba)

TDCTT-PVLC/TN.XIIL-4.mp3

ThanhIreneGiamMucTuDao.mp3 / 

https://youtu.be/NTUMYBEQw7E (28/6 Thứ Tư)

LeThanhPheroPhaolo.mp3

 https://youtu.be/E0SmZAYy9F8 

https://youtu.be/JRtMLiCCn7k (29/6 Thứ Năm)

XII-6.mp3

CacThanhTuDaoTienKhoiCuaGiaoDoanRoma.mp3 / 

https://youtu.be/Lj9kHTz6HaQ (30/6 Thứ Sáu)

ThuBayTuanXIITN.mp3

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

"Ánh sáng chiếu trong tăm tối, 

một thứ tăm tối không thể át được ánh sáng" 

Tinh thần của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, bao gồm cả Bài Đọc 1, Đáp Ca, Bài Đọc 2 và Phúc Âm, đó là "ánh sáng chiếu trong tăm tối, một thứ tăm tối không thể át được ánh sáng" (Gioan 1:5), trái lại, tối tăm lại còn bị ánh sáng xua tan. 

Thật vậy, chiều hướng Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XII Thường Niên Năm A "ánh sáng chiếu trong tăm tối, một thứ tăm tối không thể át được ánh sáng" này đã được tỏ hiện ngay trong Bài Đọc 1 được trích từ Sách của Tiên Tri Giêrêmia, đoạn nói về vai trò ngôn sứ và sứ vụ chứng nhân được Chúa ủy thác cho vị tiên tri này, nhưng chính bản thân của vị tiên tri lại trở nên cớ vấp phạm cho thành phần vị này được sai đến: "Người này gieo khủng bố khắp nơi: Hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó", thế mà họ có dữ tợn đến đâu vẫn không làm gì đượcngười của Chúa, trái lại còn bị triệt hạ nữa:  

"Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: 'Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó'. Nhưng Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt sức: Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao giờ quên được. Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Ðấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù nó cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa. Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ".  

"Chúa trả thù nó cho con" ở chỗ nào, hay bóng tối bị ánh sáng xua tan ra sao, đã được Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong Thư gửi Giáo đoàn Rôma ở Bài Đọc 2 cho biết rất tuyệt vời, vượt ngoài tất cả mọi dự tưởng và suy nghĩ của trần gian, của khuynh hướng đòi công bằng của con người, như thế này: "Nhưng không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu, vì nếu do tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Ðức Giêsu Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần".   

Có nghĩa là, theo đường lối thần linh thật trọn lành của Thiên Chúa, "trả thù" không phải là ở chỗ "mắt đền mắt, răng đền răng", mà trái lại, lấy lành thắng dữ, lấy tình thương bù đắp hận thù, lấy thứ tha bù đắp tội lỗi, nhờ đó mới có thể biến dữ thành lành, biến tội lỗi thành ân sủng, biến sự chết thành sự sống, như trong mầu nhiệm và biến cố Vượt Qua của Chúa Kitô.  

Trong Bài Phúc Âm hôm nay, bài Phúc Âm tiếp bài Phúc Âm Chúa Nhật XI vừa rồi, về Huấn Từ Truyền Giáo của Chúa Kitô, nhưng không liên tục. Ở câu cuối cùng (câu 8 đoạn 10) của Phúc Âm Thánh Mathêu tuần trước, Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ phải đi đến đâu và phải rao giảng những gì: "Các con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô. Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: "Nước Trời đã đến gần". Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".  

Ở câu đầu tiên trong Bài Phúc Âm hôm nay, (câu 26 cùng đoạn 10), Chúa Giêsu liền dặn các tông đồ thừa sai của Người rằng: "Các con đừng sợ những người đó". "Những người đó" đây là ai, Chúa Giêsu muốn ám chỉ ai vậy? Chắc chắn không phải "dân ngoại", không phải "các người Samaritanô", thành phần các tông đồ chưa được Chúa Kitô sai đến, mà là chính đám "chiên lạc của nhà Israel", một đám "chiên lạc" ám chỉ chung dân Do Thái và riêng thành phần lãnh đạo Do Thái giáo đã từng ra tay bách hại và âm mưu sát hại các vị tiên tri nói chung (xem Mathêu 23:29-32) và tiên tri Giêrêmia (trong Bài Đọc 1 hôm nay) nói riêng.  

Có một điều lạ ở chỗ lý do được Chúa Giêsu sử dụng để trấn an các tông đồ "đừng sợ những người đó", lý do dường như chẳng ăn khớp gì với lời khuyên đừng sợ của Người, "đừng sợ những người đó" là "vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết", như thế có nghĩa là gì? Có nghĩa là "không có gì che giấu mà không bị thố lộ" ở nơi "những người đó", "và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết" ở nơi "những người đó". Tức là khi "những người đó" bách hại hay giết hại các tông đồ hay các vị tiên tri trong Cựu Ước, cả hai đều là thành phần được sai đến với họ, thì họ đều chủ trương cho rằng những vị thừa sai ấy đều là thành phần "gieo khủng bố khắp nơi", như Bài Đọc 1 hôm nay tiết lộ, nên họ chống lại và sát hại các vị.   

Tuy nhiên, tâm tưởng của "những người đó" không phải chỉ ám chỉ về thành phần chống đối, mà nhất là thành phần thiện tâm, lầm lạc, cho đến khi nhận ra sự thật thì tỏ lòng ăn năn thống hối, đúng như những gì xẩy ra trên Đồi Canve sau khi Chúa Kitô tử giá (xem Luca 23:47-48), ứng nghiệm lời tiên tri của vị tư tế lão thành Simêon khi ẵm hài nhi Giêsu trên tay và nói cùng Mẹ Maria rằng: "Phần cô sẽ có một lưỡi gươm đâm thấu tâm can, nhờ đó tâm tưởng nơi nhiều người sẽ được bộc lộ" (Luca 2:35).  

Thế nhưng, tự bản chất con người vốn yếu hèn với đầy những khuynh hướng sợ sệt, nên muốn can trường, họ không thể nào không tin tưởng vào Đấng đã sai mình, vào Đấng quan phòng thần linh, vào Đấng luôn ở với mình, vào Đấng duy nhất có thể cứu mình khỏi bất cứ một quyền lực chết chóc nào, Đấng có thể biến họ thành một dấu chỉ thần linh. Phải chăng đó là lý do Chúa Kitô đã trấn an các tông đồ bằng những lý lẽ siêu nhiên thật là bất diệt vô cùng thấm thía như trong Bài Phúc Âm hôm nay:   

"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần".  

Thật sự tự mình "bóng tối không át được ánh sáng" - "vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết", nên Chúa Kitô đã chẳng những trấn an các tông đồ thừa sai của Người mà còn phấn khích cùng thúc giục các vị hãy hiên ngang bất khuất thực hiện vai trò chứng nhân tiên khởi của các vị nữa, ở chỗ: "Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà".  

"Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối" đây là gì, và "điều các con nghe rỉ tai" đây là chi, những gì được Chúa Kitô bảo các tông đồ thừa sai của Người cần phải "nói ra nơi ánh sáng" và phải "rao giảng trên mái nhà", nếu không phải là những mạc khải thần linh ("Ðiều Thầy nói") mà bản thân của từng vị trong các ngài cảm nghiệm được ("nghe rỉ tai") bằng chính đức tin ("trong bóng tối") hơn là chỉ bằng cảm giác sôi nổi hay lý trí nông cạn trước một Vị "Thiên Chúa là thần linh, mà kẻ tôn thờ Ngài phải tôn thờ trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24).    

Đúng thế, chỉ bao giờ con người thừa sai sống một đời sống nội tâm, "nghe rỉ tai" "trong bóng tối", họ mới không cảm thấy sợ hãi trước bất cứ một quyền lực đối kháng nào, trái lại, họ còn có sức chịu đựng cho đến cùng vì họ biết tuyệt đối tin tưởng vào Đấng ở với họ và sai họ đi, như nội dung, chiều hướng và cảm nhận thần linh của Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người cùng con một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con.

2) Nhưng, lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi xin nhìn đến tấm thân con.

3) Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân Người bị bắt cầm tù. Hãy ngợi khen Chúa, hỡi trời và đất, biển khơi và muôn vật sống động bên trong.